Mạng tạo ra một “lỗ thông hơi” cho cái mới của văn học


Mạng chỉ là một trong những phương thức tồn tại của tác phẩm văn học mà thôi! Sự cởi mở của các ban biên tập báo mạng, trên một phương diện nào đó, đã tạo ra một sự cân bằng với tính chặt chẽ (đôi khi là bảo thủ) của các nhà xuất bản, thậm chí tạo ra một “lỗ thông hơi” cho cái mới của văn học có điều kiện trình làng.
1. Tại sao có văn học trên mạng? Ấy là vì có mạng. Chuyện này cũng khá đơn giản như khi ta đặt câu hỏi về văn học trên báo và trong sách: nó có mặt khi mà báo chí và xuất bản đã có mặt trong đời sống xã hội. Đặt vấn đề như vậy, tôi muốn khẳng định lại một thực tế đã rõ tựa ban ngày, rằng cũng như báo và sách, mạng chỉ là một phương thức tồn tại của tác phẩm văn học mà thôi.
Tất nhiên, với tư cách là phương thức tồn tại của tác phẩm văn học, mạng có thể hiện đại hơn sách và báo (cũng như sách báo hiện đại hơn phương thức truyền miệng), nhưng không vì thế mà cái hiện đại này lại quy định sự vượt trội về giá trị nghệ thuật của tác phẩm văn học trên mạng so với tác phẩm văn học ở các phương thức tồn tại khác. Sự hơn thua, nếu có, nằm ở chính tài năng và bản lĩnh của các chủ thể sáng tạo văn học.
2. Thực tế đời sống văn học trong một vài năm gần đây cho thấy, càng ngày càng có nhiều tác giả chọn mạng làm phương thức tồn tại cho tác phẩm văn học của mình (đầu tiên, mà cũng có thể là duy nhất). Tại sao vậy? Có mấy nguyên nhân có thể làm đáp án cho câu hỏi “tại sao” này.
a/ Các phương thức tồn tại “truyền thống” của tác phẩm văn học (báo chí, xuất bản) hiện đang “có vấn đề”. Quy định ngặt nghèo về số lượng chữ cho một truyện ngắn khi in trên báo chẳng hạn, là một vấn đề. Vấn đề này sẽ bằng không khi tác phẩm được đăng tải trên mạng, cái trang báo vô tận này bớt cho người viết sự loay hoay đo câu đếm chữ sao cho vừa với khuôn khổ mà tờ báo viết ấn định. Quan điểm biên tập và năng lực biên tập của các nhà xuất bản cũng là một vấn đề, thậm chí là một vấn đề lớn.
Vì sự tồn vong (theo nghĩa đen) của các nhà xuất bản trong cơ chế như hiện nay, những tác phẩm vượt ra khỏi cái ngưỡng bình thường về nội dung tư tưởng, những tác phẩm mang trong nó sự tìm tòi quá mới mẻ về hình thức kết cấu và ngôn từ rất dễ bị bỏ qua... cho an toàn (để rồi đến một lúc nào đó, người ta sẽ giật mình hối tiếc vì trong số những cái bị bỏ qua có những giá trị văn học đích thực).
Sự cởi mở của các ban biên tập báo mạng, trên một phương diện nào đó, đã tạo ra một sự cân bằng với tính chặt chẽ (đôi khi là bảo thủ) của các nhà xuất bản, thậm chí tạo ra một “lỗ thông hơi” cho cái mới của văn học có điều kiện trình làng.
b/ Với mạng, sự giao lưu giữa tác giả và độc giả trở nên rút ngắn về khoảng cách thời gian một cách đáng kể. Không phải chờ giấy phép xuất bản, không phải chờ chữ kí duyệt của Tổng biên tập toà soạn báo, không phải đợi một cách sốt ruột ngày báo ra hoặc ngày sách được phát hành; với sự cởi mở của các ban biên tập báo mạng (như đã nói trên), chỉ một cái nhấp chuột tác phẩm đã được đăng tải, chỉ một cái nhấp chuột nữa nó đã hiện ra trước mắt người đọc.
Có thể nói, hình thức xuất bản như vậy là một yếu tố tác động rất tích cực vào hoạt động viết của người sáng tác văn học: nó kích thích nhu cầu viết, thậm chí nó làm nảy sinh nhu cầu viết. (Đương nhiên, nếu ta nhìn sang các phương thức tồn tại truyền thống của tác phẩm văn học sẽ thấy: nhiều người viết đã thui chột nhu cầu viết khi tác phẩm của họ cứ mãi không được đăng tải trên sách báo, nói cách khác, họ thất vọng vì không có được sợi dây liên thông với người đọc).
3. Nhưng nói như vậy không có nghĩa xác nhận mạng như là hồi chuông báo hiệu sự cáo chung cho các phương thức tồn tại truyền thống của tác phẩm văn học. Phần lớn các nhà văn hiện nay (kể cả những người thuộc thế hệ 8X, 9X, thế hệ không hề xa lạ với mạng và sinh hoạt văn chương trên mạng) đều cảm nhận sự khác biệt khi đón nhận tác phẩm của mình trên mạng và trên sách báo.
Nói cụ thể, được in trên sách báo, họ vẫn thấy...khoái hơn! Đây không đơn giản chỉ là thói quen hàng trăm năm khó có thể gột rửa trong chốc lát, mà sâu xa hơn, nó là cái gì đó hết sức con người: dưới hình thức sách hoặc báo, tác giả cảm nhận được sự tồn tại vật chất cụ thể của đứa con tinh thần của mình, tiên lượng một cách tương đối chính xác những ai và bao nhiêu người sẽ đọc mình (qua số lượng phát hành cuốn sách hoặc tờ báo, qua đối tượng mà tờ báo hoặc nhà xuất bản đã xác định để phục vụ).
Mặt khác, ở góc độ của người tiếp nhận (đọc) văn học, giữa tờ báo, trang sách với màn hình computer cũng có khác biệt đáng kể: người ta khó có thể thấy sự tiện lợi khi đem chiếc máy tính vào giường ngủ (hoặc toilet!), vả lại, đọc trên màn hình computer dễ nhức mắt hơn nhiều so với đọc trên báo, trang sách.
Nói một cách khác, với tất cả những ưu khuyết của mình, mạng và sách báo là những phương thức tồn tại của tác phẩm văn học không loại trừ, không triệt tiêu lẫn nhau, trái lại, chúng bổ sung cho nhau và tạo nên sự đa dạng cho đời sống văn học đương đại.
4. Điều rắc rối xảy ra khi đến một lúc nào đó (mà cái “lúc nào đó” này đang là hiện tại) người ta có sự phân biệt giữa văn học trên mạng và văn học trên sách báo là “ngoài luồng” và “trong luồng”, là “phi chính thống” và “chính thống”. Có cảm giác như sự phân biệt này phần nhiều là dựa trên tiêu chí cái nào được/bị kiểm duyệt kĩ lưỡng hơn cái nào, chứ không phải cái nào có chất lượng nghệ thuật cao hơn cái nào.
Chẳng có gì đảm bảo tính chính xác cho sự phân luồng này, nếu không muốn nói là chỉ đem lại những ngộ nhận vô lối và hoàn toàn không nên có. Nếu cho rằng tác phẩm văn học in trên sách báo là “chính thống”, là “trong luồng”, vậy thì ai sẽ chịu trách nhiệm về sự tồn tại của những loại tác phẩm mà thực ra không có cũng không chết ai, mà có thì chỉ khiến rất nhiều mực in và giấy in bị tốn một cách vô nghĩa?
Mặt khác, cách phân loại này cũng góp phần tạo ra một sự “lập lờ đánh lận con đen”, gây ra một ảo tưởng mĩ miều về “những nhà văn bị nguyền rủa” cho một số ai đó đang phát tán tác phẩm của mình trên mạng.
Cụ thể như sau: nếu qua bàn của người biên tập có nghề (không kể là biên tập báo mạng, báo viết hay nhà xuất bản), sẽ có những tác phẩm không được phép xuất hiện (vì dở quá!), và quả thực là đã có những tác phẩm như thế bị từ chối ở hình thức sách báo, thế là “thua keo này ta bày keo khác” - chúng chạy sang mạng, lợi dụng sự cởi mở của khâu biên tập ở đây để góp mặt với đời và để vỗ ngực đánh đồng mình với những tác phẩm vượt quá nhận thức cạn hẹp của người đương thời! Đã khá rõ ràng, bi hài kịch xảy ra ở chỗ, như một câu nói đang là à la mode: “không biết mình là ai”!
Tóm lại, câu chuyện quay về với một nhận thức cơ bản: mạng chỉ là một trong những phương thức tồn tại của tác phẩm văn học! Điều có ý nghĩa lớn nhất là tài năng, là bản lĩnh của chủ thể sáng tạo văn học. Và, nếu có thể nói thêm, thì đó là “con mắt xanh”, là khả năng đãi cát tìm vàng, gạn đục khơi trong của người làm công tác biên tập. Ngoài những yếu tố ấy, mọi điều còn lại đều trượt vào khoảng không vô nghĩa.
5. Đến đây, đã có thể đặt một câu hỏi về vai trò của phê bình văn học đối với văn học trên mạng. Nếu chúng ta đã đồng ý với nhau rằng, không nên có sự phân biệt “chính thống”/“phi chính thống”, “ngoài luồng”/“trong luồng” giữa văn học trên sách báo và văn học trên mạng, thì hiển nhiên, việc phải quan tâm đến văn học trên mạng là một trong những yêu cầu đối với phê bình văn học. Văn học trên mạng là một tồn tại thực tế của đời sống văn chương hôm nay.
Dù muốn hay không, người làm phê bình cũng không nên/không thể ứng xử với nó bằng sự phớt lờ hay bằng một thái độ cao ngạo khủng khỉnh. Anh có thể thích hay không thích một vài tác phẩm văn học trên mạng nào đó (cũng như anh đã từng thích/không thích vô khối tác phẩm văn học trên giấy), nhưng anh không thể phủ nhận là nó có.
Và vì thế, một sự công nhận thích đáng là phải tôn trọng nó, thể hiển ở sự đọc nó một cách không định kiến, sẵn sàng biểu dương những yếu tố tích cực trong đó, sẵn sàng vinh danh những cây bút có thực tài v.v...
Tuy nhiên, mấu chốt của câu chuyện này - trong điều kiện Việt Nam - lại là ở chỗ, mạng đã trở thành cái gì đó thật bình thường, thật quen thuộc trong thói quen tìm đọc của giới phê bình nói chung hay chưa? Đó lại là một vấn đề khác, mà để tìm hiểu nó, người ta buộc phải đi ra ngoài những giới hạn của đời sống văn chương.
Nguồn: HOÀI NAM (nhà phê bình văn học)
Báo VietNamNet

Related link

Latest Features

Weather

Facebook comments